Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Khóc cười với trường quốc tế

 Đi không được, ở không xong 

Những học sinh đầu tiên của trường Hanoi Academy - Ảnh: phụ huynh cung cấp
Quá bức xúc với việc quảng cáo một đằng, làm một nẻo của trường phổ thông quốc tế Hanoi Academy, nhiều phụ huynh chuyển trường cho con kịp thời, những phụ huynh quyết tâm ở lại thì ngày càng thất vọng.
Nhu cầu gửi con vào một môi trường học tập với cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị hiện đại, tiếng Anh được dạy bởi giáo viên người nước ngoài… đang là nhu cầu ngày càng cao của bộ phận người dân có điều kiện kinh tế khá giả. Tuy nhiên, khi mà trường mang danh trường “quốc tế” mở ra một cách ồ ạt với những lời quảng cáo hấp dẫn thì không phải phụ huynh nào cũng có khả năng, kinh nghiệm để thẩm định và lựa chọn sáng suốt. Không ít phụ huynh đã phải chấp nhận “bỏ của chạy lấy người” sau một thời gian gửi con vào trường quốc tế.

Trường quốc tế Hanoi Academy có thể nói là một ví dụ điển hình gần đây nhất về “trái đắng” trường quốc tế mà các bậc phụ huynh khá giả ở Hà Nội phải nếm trải.
Với cách quảng cáo rầm rộ, đầu tư cơ sở vật chất hoành tráng lại đặt ở giữa khu đô thị Ciputra, nơi mà đại bộ phận gia đình giàu có nhưng lại “khát” một môi trường học đường chất lượng cao, thế nên ngay trong năm học đầu tiên tuyển sinh (2009-2010), trường này đã tuyển được gần 600 học sinh, tuyển được nhiều giáo viên giỏi…
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn thì các bậc phụ huynh mới té ngửa ra rằng trường thiếu một chương trình giảng dạy khoa học; có rất nhiều trang thiết bị đắt tiền, cái gì cũng có, cái gì cũng nhất nhưng sau đó các trang thiết bị gần như không được sử dụng, có giáo viên nước ngoài nhưng thiếu giáo trình... và đặc biệt là thiếu một "nhạc trưởng" nên chưa thể có được kết quả như mong đợi. Bản thân người được nhà đầu tư thuê làm hiệu trưởng nhà trường cũng phản đối với những cách làm của nhà đầu tư và đã bị nhà đầu tư vô hiệu hóa bằng cách không trả lương.
Điều mà các phụ huynh bức xúc là nhà trường không giải thích được chương trình lúc thì bảo của Anh, Úc lúc thì bảo của Mỹ, mà chẳng nhìn thấy giấy trắng mực đen đâu cả.
Quyết định chuyển trường cho con chỉ sau hai tháng, phụ huynh có tên H.M.D nói: "Mình thấy các cô giáo rất dễ thương, quan tâm đến các con chu đáo lắm. Nhưng điều mình băn khoăn là chương trình học ít yếu tố quốc tế quá, chương trình tiếng Anh lại không có bản quyền, mà mình lại cần cho con học ở đâu có chương trình quốc tế để khi di cư sang nước ngoài con không bị bỡ ngỡ quá".
Trong số những phụ huynh quyết tâm ở lại với mong muốn nhà trường sẽ thực hiện lời hứa thì đến thời điểm này nhiều người đã tỏ ra thực sự chán nản. Một phụ huynh tâm sự: "Mình có con học tại Hanoi Academy từ năm ngoái. Lúc đầu còn tự an ủi trường mới mở, cố thêm rồi sẽ tốt hơn… nhưng đến năm nay còn tệ hơn năm ngoái. Các thầy nước ngoài năm ngoái được các con yêu quý thì năm nay không dạy nữa. Học gần hết tháng 9 mới ổn định được giáo viên nước ngoài. Họp phụ huynh toàn trường để giới thiệu trương trình học của các con, mà phụ huynh thắc mắc đưa ra câu hỏi thì lại lảng tránh bảo sẽ trả lời qua mail…, chất lượng càng ngày càng lộn xộn và đi xuống làm mình hối hận không chuyển con từ đầu năm".
Trên diễn đàn Web Trẻ thơ, một phụ huynh tâm sự: mình đang lo buồn vì những chuyện lủng củng, những lời hứa “ngàn thu” của Hanoi Academy nhưng mà "ngậm đắng nuốt cay"… năm sau mà không ổn hơn thì mình lại “chạy chọt” một suất cho con về trường Việt rồi mình làm gia sư cho con thôi...
Một phụ huynh khác thì ngậm ngùi: "Tôi có 2 con học ở đây, một bé lớp 1 và một bé lớp 3, tôi cũng như nhiều phụ huynh khác đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan quay về trường cũ thì không được, chuyển trường mới thì lại e tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Trong khi chờ đợi sự thay đổi của trường thì tôi đành phải cho hai cháu học thêm tuần 2 buổi chương trình tiếng Việt và 2 buổi tiếng Anh ở bên ngoài. Nếu hết học kỳ 1 mà trường vẫn như vậy thì đành phải nói lời “tạm biệt” vậy


Những khoản thu khó hiểu   
Một lớp học ở trường Kinder World - Ảnh: website của trường
Trường quốc tế thu học phí rất cao nhưng phụ huynh vẫn không tránh được cảnh phải nộp thêm phụ phí. Điều đáng nói là những khoản thu như vậy không được công khai về chi tiêu.
Không ít phụ huynh của trường quốc tế Kinder World thắc mắc: Từ nhiều năm nay, mỗi năm, học sinh phải đóng 1.000 USD cho quỹ phát triển của nhà trường nhưng cũng đã nhiều năm, không thấy nhà trường có đầu tư hay nâng cấp gì.
Chưa hết, hàng năm, mỗi học sinh phải nộp khoảng 80 USD tiền e-learning (học trực tuyến), nhưng phụ huynh phản ánh: rất không hiệu quả vì các cháu học ở trường cả ngày, tối về không có thời gian dùng máy tính. Hơn nữa, các chương trình trên trang web không liên kết gì hoặc không được tính điểm vào chương trình học chính thống, ở trường đã có môn ICT (Information, Communications and Technologies) đã dạy cách học qua mạng, làm bài tập trên mạng ở trường. Vậy tại sao lại phải học thêm ở nhà? Tại sao các khoản thu trên không tính vào học phí trong khi học phí đã quá cao...
Còn tại trường quốc tế Hanoi Academy, phụ huynh thậm chí còn phải đóng thêm cả tiền mua bản quyền chương trình quốc tế.
Chị N. A, một phụ huynh vừa xin rút hồ sơ cho con khỏi trường Hanoi Academy, bức xúc: “Cho con học các trường này phần lớn phụ huynh đều xác định sẽ tốn kém. Nhưng điều nhiều người bức xúc là cách thu tiền không đúng với thỏa thuận, không giải thích và cũng không minh bạch”.
Trong các phiếu báo thu tiền do phụ huynh trường Hanoi Academy cung cấp, tổng các khoản phải nộp đối với một phụ huynh mới đăng ký vào trường cho con học lên đến 5.000 - 6.000 USD tùy bậc học, bao gồm phí ghi danh, phí hồ sơ nhập học, phí xây dựng trường, đồng phục, học phí. Nhưng theo chị N.A , nhiều phụ huynh bất ngờ khi nhà trường có bảng kê yêu cầu nộp thêm một số khoản tiền khác, như phí quản lý sách, chi phí nhập khẩu, tiền bản quyền chương trình... Rất nhiều phụ huynh lên tiếng: việc mua bản quyền chương trình là việc đầu tư của nhà trường để có thể hoạt động và thu được học phí của người dân, vậy tại sao đã thu học phí rồi lại còn thu tiền bản quyền?
Ngoài ra, HS còn phải nộp thêm tiền học phẩm trên 2,3 triệu đồng, tiền mua sách gần 800.000 đồng/bộ, trong đó chỉ một số sách in màu, còn nhiều tài liệu được nhà trường photocopy đen trắng.
Có 3 yếu tố căn bản nhất để đánh giá trường đạt chuẩn quốc tế là: chương trình, giáo viên và cơ sở vật chất. Trong khi đó ở Hà Nội một cơ sở giáo dục tự nhận là quốc tế nhưng thậm chí các yếu tố còn chưa đạt theo chuẩn Việt Nam. Theo nhận định của Sở GD-ĐT Hà Nội: cơ sở vật chất của trường quốc tế chưa tương xứng với mức học phí. Nhiều trường còn thiếu trang thiết bị máy móc hiện đại cho việc giảng dạy và học tập. Phần lớn các cơ sở giáo dục, kể cả các cơ sở giáo dục phổ thông đều không có cơ sở vật chất riêng mà phải đi thuê.
Đầu năm học, trong số 14 trường THPT ở Hà Nội bị "treo" chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học này có 2 trường quốc tế, nguyên nhân là do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Ví dụ, trường phổ thông quốc tế Phú Châu chưa được phép tuyển sinh vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo, còn thiếu thiết bị dạy học và các bộ môn. Hay như trường quốc tế Horizon thì do cơ cấu tổ chức bộ máy chưa được công nhận.
PGS Văn Như Cương nhận định: có lẽ ít có nước nào mà tên gọi trường quốc tế được dùng tùy tiện như ở nước ta. Khổ nhất là rõ ràng trường Việt Nam của người Việt Nam mà cứ phải lấy tên bằng tiếng nước ngoài hoặc tên danh nhân của nước ngoài để tăng tính hấp dẫn khi quảng cáo. Có trường mầm non dăm ba lớp nhỏ hẹp, tô vẽ màu sắc, mỗi tuần vài giờ tiếng Anh thế là thành trường quốc tế và thu học phí rất cao.




Quản lý Nhà nước cũng bị động 
 

Một buổi học ở trường Dân lập quốc tế Việt Úc - Ảnh: Ngọc Thắng
Nhiều phụ huynh đã cay đắng nhận ra rằng, việc gửi con vào trường mang danh quốc tế không mang kết quả như mong muốn, khi mà chất lượng đầu ra là một sản phẩm "Tây không ra Tây, ta không ra ta".
Anh Phạm Hoài P., một phụ huynh có con học trường Kinder World chia sẻ: sẽ là hết sức sai lầm nếu phụ huynh cho rằng, gửi con vào trường mang danh quốc tế thì con họ sẽ không bị áp lực học hành, vừa học vừa chơi… bởi trên thực tế chúng phải học rất vất vả.
Theo anh P. phần lớn những trường mang danh “quốc tế” tại VN là những trường có yếu tố nước ngoài thì đúng hơn.
Bởi vì theo cam kết khi mở trường, những trường này vẫn phải đảm bảo dạy đúng, đủ theo chương trình mà Bộ GD-ĐT VN quy định.
Bởi vậy, buổi sáng các cháu học chương trình tiếng Việt, do giáo viên người Việt giảng dạy; buổi chiều thì các cháu học chương trình nước ngoài, bằng tiếng Anh, do giáo viên nước ngoài giảng dạy.
Chính vì vậy, hầu hết học sinh ở các trường này chỉ có thể đạt được yêu cầu tối thiểu của chương trình Việt cũng như yêu cầu tối thiểu của chương trình "ngoại nhập".
Anh P. dẫn chứng: “Vợ chồng tôi đã làm một phép thử, tức là mua giáo trình “xịn” của chương trình Kinder World ở Úc về dạy và tự kiểm tra cho con thì thấy rằng, mặc dù cháu được đánh giá là học sinh xuất sắc ở trường nhưng cũng chỉ đạt được khoảng 60 - 70% yêu cầu của chương trình thật sự này”.
Anh P. khẳng định: mặc dù Kinder World là một trường có chương trình ổn định, làm việc nghiêm túc và có uy tín ở VN nhưng cũng chỉ có thể tạo ra một lứa học sinh có chất lượng “nhờ nhờ”.
Một phụ huynh có con học ở trường Việt Úc đã 5 năm (2 năm mẫu giáo và 3 năm tiểu học) cho biết: tôi chọn trường quốc tế cho con theo học vì mong muốn con được giỏi tiếng Anh, nhưng kết quả là tiếng Việt của cháu không thể bằng học sinh học trường Việt, khả năng nói, vốn từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh cũng không tốt như kỳ vọng. Sau 5 năm theo học, con tôi và đa số các bạn trong lớp vẫn phải theo học tiếng Anh ở trung tâm vào các ngày cuối tuần.
Nhiều phụ huynh có xu hướng tân tiến, muốn cho con được học ở môi trường thoải mái, tự tin, tự lập… cũng phải khóc dở, mếu dở vì sự tự tin thái quá của con mình.
Anh P. nói: “Bố mẹ tôi có lần đã nổi cáu với chúng tôi về thằng cháu nội học trường “Tây”, rằng ông bà không thể chấp nhận một đứa cháu như nó, không có tôn ti trật tự, phép tắc gì cả”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Tiến Trường, Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay: Ở Hà Nội hiện nay chỉ có một số ít trường quốc tế (có 100% vốn đầu tư nước ngoài, giảng dạy hoàn toàn bằng chương trình của nước ngoài) do đại sứ quán một số nước thành lập để đáp ứng nhu cầu học tập của con em họ.
Trong khi đó, lợi dụng tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận phụ huynh học sinh nên có nhiều trường gắn mác “quốc tế” một cách khá tùy tiện, trong khi thực chất đó chỉ là trường có yếu tố nước ngoài.
Ông Trường khuyến cáo: phụ huynh nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định chọn loại hình trường này cho con em mình; điều quan trọng là phụ huynh phải nghiên cứu kỹ về nội dung chương trình, chương trình đó đã được cấp phép sử dụng chưa; thứ ba là việc công khai, minh bạch về các khoản thu chi.
Ông Trường cho biết: trong thời gian tới, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tiến hành thanh kiểm tra một số trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn.
“Tuy nhiên, để có căn cứ giám sát thì chúng tôi cũng đã tính tới việc phải xây dựng một hệ thống tiêu chí kiểm định chất lượng dành riêng cho loại hình trường này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang chờ nghị định mới về quản lý trường quốc tế, trường có yếu tố nước ngoài”, ông Trường cho hay.
nguon: Thanh nien


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét