Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Nước non Cao Bằng



     Tháng 10, đang là cuối mùa Thu, chúng tôi lại có chuyến đi Cao Bằng. Đích đến của chuyến đi lần này là thác Bản Giốc.
     Chặng đường dài từ quốc lộ 5, rồi rẽ đi theo đường 1B lên Bắc Ninh rồi lại rẽ trái theo đường Quảng Ninh - Nội Bài, tới Phủ lỗ rẽ qua quốc lộ 2 đi Thái nguyên, đoàn chúng tôi có 4 anh em cùng cơ quan vừa đi công tác vừa đi du lịch. Sau 1 đêm nghỉ ở Thái nguyên chúng tôi đi Bắc cạn, qua một số đèo dốc nữa, lên tới TX Cao Bằng đã là 5h chiều. Vì máu đi thác Bản Giốc nên mọi người quyết định đi Trùng Khánh ngay, không nghỉ tại TX Cao Bằng. Trùng Khánh là một thị trấn nhỏ với sản vật nổi tiếng là hạt dẻ mang thương hiệu "hạt dẻ Trùng Khánh". Một đêm cuối thu lạnh lẽo ở một thị trấn sát đường biên cách thác Bản Giốc 25 km trong một cái nhà nghỉ rất to nhưng nội thất rất tệ. Sáng hôm sau chúng tôi ra chợ thị trấn, không phải phiên chợ nên rất lèo tèo. Một dãy chừng 5, 6 hàng các bà các chị ngồi bán hạt dẻ, thứ hạt dẻ mầu nâu đặc trưng và ở dưới xuôi người ta cứ luôn phân biệt nó với hạt dẻ Tầu. Cách bán hàng cũng rất khác lạ: đếm hạt chứ không cân, 300 đồng một hạt, sau khi mua cân lên tương đương khoảng 50.000 đồng một cân. Buổi sáng ở cả thị trấn chỉ có một cái quán phở Vịt trông khả dĩ, nhưng vào thì không có chỗ ngồi, đành bấm bụng lên đường, ra đầu thị trấn may quá có một cái quán nhỏ với bộ bàn ghế cũ kỹ đến nỗi gợi lại một thời rất đỗi xa xăm. Quãng đường từ Trùng Khánh đi thác Bản Giốc cũng không đến mức heo hút, dân cư dọc đường thưa thớt với những làng bản và những mái nhà thấp kiểu cũ. Hai bên đường có nhiều cây hạt dẻ. Sóng điện thoại di động có đủ các mạng Vina, Mobi, Viettel. Người ta bảo giữa nơi rừng xanh núi thẳm hay bỗng thình lình hiện ra một cô sơn nữ xinh đẹp, nhưng hôm nay chả gặp cô sơn nữ nào cả.
     Cuối cùng thì con thác mà bấy lâu chỉ nhìn qua ảnh, qua TV cũng ở trước mắt chúng tôi. Thác Bản Giốc trông mềm mại như một người đẹp vừa thức dậy giữa núi rừng. Nó không quá hùng vĩ, không đổ ầm ầm xối xả, không có độ cao. Nó trải rộng và nếu đến gần thì khó có góc máy nào lấy hết toàn cảnh. Ngoài hai phần thác lớn nhất còn có những phần ẩn giữa các lùm cây đổ xuống nhẹ nhàng. Dưới thung lũng là những khoảng ruộng đã gặt còn trơ lại những gốc giạ. Phải đi bộ một quãng chừng vài trăm mét mới ra đến khu vực chân thác. Đứng ở đây không khí rất tươi mát, bột nước li ti bắn tung theo gió tạo cảm giác như có mưa nhẹ. Dưới sông có các dịch vụ thuê bè đi tới tận nơi chân thác đổ xuống. Nhìn sang phía bên Trung quốc cũng có một cái bến để du khách có thể đi thuyền, bè du ngoạn chân thác.
     Tới tận nơi mới rõ, con thác này nằm trên đường biên giới Việt - Trung. Phần đỉnh thác thuộc đât Trung quốc, còn phần chân thác là đất Việt. Bên dưới chân thác chừng 1km bên kia sông phía Trung quốc có 1 khu nhà nghỉ trông gọn gàng xinh xắn. Còn bên Việt nam ta chỉ có 1 cái công chào, một cái trạm Biên phòng và dưới thung lũng trên đường đi ra chân thác có 1 dãy hàng quán lá lèo tèo, lụp xụp, xấu xí bán mấy thứ đồ thổ cẩm và mấy thứ hàng Tàu chả tương xứng tý nào với cái thác đẹp đẽ kia.




































    Bên kia con sông nhỏ là Trung quốc với khu nhà nghỉ



    Còn bên VN ta làm du lịch kiểu quán lá mộc mạc








    Cột mốc số 836 nằm ngay dưới chân thác

    Chợ Trùng Khánh



    Đếm hạt dẻ






    Quán ăn ở Trùng Khánh



    Một cái bàn thờ của đồng bào Dân tộc chăng ?
    Nó được làm cao, sát vách tường và mái nhà.
       




      Đây là một số hình ảnh ở chợ Xanh, TX Cao Bằng:


    Đường phố Cao Bằng



    Củ Tam thất ở chợ Xanh, Cao Bằng



    Thuốc lá sợi



    Kẹo lạc Ngà hoóc, ăn rất cứng.



    Trám đen



    Bánh Gai



    Loại bỏng gạo này phía trên lại phết lạc đỏ rang. Không biết gọi là gì?

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét