Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

HẠT DẺ TRÙNG KHÁNH

Soán ngôi hạt dẻ Trùng Khánh
TP - Cách đây gần chục năm, Cty Cổ phần Giống Lâm nghiệp vùng Đông Bắc (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn), nhập một số giống dẻ có nhiều đặc tính ưu việt từ Trung Quốc, rồi ghép với gốc dẻ Trùng Khánh, Cao Bằng thành giống Cửu gia chủng.
Cây hạt dẻ phát triển tốt ở Lạng Sơn
Cây hạt dẻ phát triển tốt ở Lạng Sơn . Ảnh: N.D.C
Sau thời gian trồng thử nghiệm thành công, người dân Lạng Sơn được cung ứng giống, khoa học kỹ thuật, trồng đại trà loại dẻ mới này đem lại kinh tế cao, có hộ thu 100 triệu đồng/năm.
Nhà bà Chu Thúy Sung, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn, dạo này rất đông khách, không chỉ khách ở trong tỉnh, nhiều người ở Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lâm Đồng cũng đến tận vườn xem cây, mua hạt dẻ.
Bà Sung tâm sự: Từ lâu tôi đã biết đến hạt dẻ Trùng Khánh ở tỉnh Cao Bằng, nhưng không nghĩ loại cây này lại có thể trồng thành công trên đất xứ Lạng. Là người dân đầu tiên trồng thử giống dẻ lai từ năm 2003, thấy cây phát triển nhanh, chỉ sau 2 năm đã bói quả, gia đình nhân rộng lên tới 3 ha, trung bình mỗi ha trồng khoảng 600 cây. Ba năm trở lại đây, những cây trồng đầu tiên đã cho năng suất bình quân trên 12 kg/cây.
Kỹ sư Hoàng Lê Minh cho biết, Hội đồng khoa học của Bộ NN&PTNT sẽ công nhận giống tiến bộ kỹ thuật dẻ Lạng Sơn, có mã số DLS-1 
Bà Sung nói: Khách mua hạt dẻ của tôi đều là người quen, chủ yếu họ đem biếu người thân. Hạt dẻ Trùng Khánh tuy giá có cao hơn thị trường một chút nhưng vẫn đắt hàng, vì ăn ngon, thơm, bùi, hạt có nhiều đường bột, giàu chất dinh dưỡng, không lo mua phải hạt dẻ của Trung Quốc.
Theo bà Sung, hạt dẻ truyền thống của ta hạt to, tròn, có lông tơ màu vàng, còn hạt dẻ nhập ngoại, thì trơn tru, dễ nứt. Vào mùa thu hoạch, thương lái đến tận gốc cây mua hạt với giá 50.000 đồng/cân, năm nào bà Sung cũng thu hoạch trên trăm triệu đồng, trong khi đó, chi phí, chăm sóc chưa đến 10 triệu đồng/năm.
Kỹ sư Hoàng Lê Minh, Giám đốc Cty Giống Lâm nghiệp vùng Đông Bắc cho biết, xác định dẻ có thể sinh trưởng tốt trên đất nghèo kiệt, mùa đông khô hạn, chịu được độ dốc trên 20 độ, rất thích hợp cho vùng miền núi, Cty mạnh dạn nghiên cứu và trồng thử nghiệm thành công.
Giống dẻ ghép ở Lạng Sơn chỉ sau 3 năm trồng đã cho thu hái (giống dẻ khác từ 8 đến 10 năm) năng suất ổn định 12-15 kg/cây, càng về sau, cây càng cho năng suất cao, có thể đạt 20 kg/năm. Ưu việt hơn, giống dẻ ở xứ Lạng thấp, ít sâu bệnh, chín sớm hơn dẻ Trùng Khánh hơn một tháng.
Ông Minh cho biết thêm, dẻ là loại cây lâm nghiệp đặc sản có phân bố hẹp tại một số địa phương của tỉnh Cao Bằng. Cây hạt dẻ lai đã được các nhà khoa học, các tỉnh miền núi phía Bắc và nhân dân đặc biệt chú ý.
Các chuyên gia đều khẳng định: Dẻ là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao thích hợp với Lạng Sơn, vì vậy cần quy hoạch, định hướng gắn liền việc phát triển cây dẻ với công nghệ bảo quản, chế biến.
Hiện nay, nhiều hộ dân ở các địa phương trong tỉnh Lạng Sơn như: Cao Lộc, Văn Quan, Văn Lãng, đã trồng, phát triển cây hạt dẻ.

Hạt dẻ Trùng Khánh nổi tiếng đã đi vào sách giáo khoa môn Văn của học sinh cấp I (nay là cấp tiểu học) vào những năm 60 của thế kỷ trước nhưng ít ai có duyên được thưởng thức món ẩm thực chính hiệu độc đáo này, nếu có cũng rất là hiếm hoi.
Để "mục sở thị" nơi đã sản sinh ra thứ sản vật quý hiếm mang tên Trùng Khánh, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã làm chuyến "trẩy hội nước non Cao Bằng" xem liệu nó có trở thành “cổ tích” hay không?
Tuy "lụi" nhưng không "tàn"
Theo như lời ông Lê Văn Lạc, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Cao Bằng, hạt dẻ ở Việt Nam là thứ quả chỉ có ở vùng đất biên cương Lạng Sơn, Cao Bằng mà thôi. Dù có chế biến theo cách luộc, rang, sấy khô hay ninh với chân giò, thịt gà, hương vị thơm ngát đặc trưng của nó vẫn vẹn nguyên. Nhưng hạt dẻ thơm ngon, bùi ngậy nhất và có hương thơm đặc biệt không nơi đâu sánh bằng phải được trồng trên đất Trùng Khánh.
Quả có màu nâu đều, tròn trịa, hạt nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái. Tuy vậy, do đồng bào Tày, Nùng trồng theo lối quảng canh nên sản lượng không đáng kể. Ngay tại thị xã này ai có "cơ may" mới mua được đúng hạt dẻ Trùng Khánh, mà phải vào tháng Chín, tháng Mười hàng năm vì đây là mùa thu hoạch.
Sau thời điểm này, dù là người địa phương sành sỏi cũng khó lòng mua được do việc bảo quản tránh bị ẩm mọt rất khó khăn.
Ông Nông Văn Nhâm, Phó Chủ tịch huyện cho biết diện tích trồng cây dẻ ở đây lúc cao điểm lên đến 500ha, nhưng hiện chỉ còn 300ha trong vườn của khoảng 100 hộ. Diện tích này giảm đi là do trước năm 2008, tỉnh cho phép trồng cây đặc sản này nằm trong Chương trình năm triệu hecta rừng, nên nó trở thành "cây dẻ hoang."
Tiếp đó, cơ quan chức năng lại ứng dụng nhân giống dẻ bằng phương pháp cấy ghép, nhưng khi mang đi trồng, đa số đều còi cọc, một vài cây có quả thì "chỉ to bằng ngón tay út" nên đồng bào buộc phải chặt bỏ thay thế bằng cây khác, hoặc trồng lại bằng phương pháp truyền thống ươm mầm.
Tuy trồng cây dẻ không tốn công sức chăm sóc, giá thành hạt dẻ cao hơn ngô, đậu đỗ nhưng đồng bào ở Trùng Khánh vẫn chẳng muốn mở rộng diện tích là do phong tục thả rông trâu bò ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ và thu hoạch hạt dẻ. Đặc biệt là người tiêu dùng không có căn cứ để nhận biết đâu là hạt dẻ Trùng Khánh đích thực, nên đồng bào sợ trồng nhiều lại khó tiêu thụ.
Đến nay huyện chỉ còn bốn xã Khâm Thành, Chí Viễn, Đình Minh và Phong Châu còn diện tích trồng Dẻ tập trung, gia đình nhiều nhất là một hecta. Do đó, trong báo cáo phát triển kinh tế của huyện cũng không hề có một dòng nào đề cập đến cây dẻ - thứ cây đặc sản có đủ điều kiện trở thành “mũi nhọn” hàng hóa ở địa phương.
3.000ha có khả thi?
Trong số các dự án mà tỉnh Cao Bằng mời gọi đầu tư năm nay, trong đó có dự án trồng và chế biến hạt dẻ 3.000ha tại huyện Trùng Khánh, tổng vốn đầu tư lên đến ba triệu USD bằng giải pháp liên doanh hoặc 100% vốn đối tác.
Về dự án này, ông Nông Văn Nhâm cho rằng điều đó có thể thành hiện thực nếu giải quyết thấu đáo về thương hiệu, công nghệ bảo quản, đầu ra ổn định và giá cả hợp lý. Bởi lẽ huyện vẫn còn hơn 3.000ha đất trồng màu đủ điều kiện thổ nhưỡng chuyển đổi thành diện tích chuyên canh cây dẻ, để trở thành vùng nguyên liệu tập trung.
Từ năm 2002, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã triển khai dự án xây dựng mô hình bảo quản và chế biến một số quả đặc hữu như hạt dẻ, mắc mật thuộc dự án của Chương trình nông thôn miền núi do Viện Cơ điện nông nghiệp chuyển giao.
Tiếp đó, từ tháng 11/2008, Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh đã chủ trì thực hiện dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, xây dựng chỉ dẫn địa lý “Trùng Khánh” cho sản phẩm hạt dẻ, tỉnh Cao Bằng.
Ngoài những công việc chính đã hoàn thành, dự án còn thành lập Hiệp hội hạt dẻ Trùng Khánh gồm bốn chi hội, với 27 tổ hội quy tụ gần 450 hộ tham gia. Hiện bốn xã được thụ hưởng dự án này đã có gần 80ha dẻ, trong đó 72ha đã cho thu hoạch khoảng 70 tấn/năm, đạt thu nhập bình quân tới 100 triệu đồng/ha.
Công ty Quảng cáo tầm nhìn OCC đã thiết kế sản xuất thử dấu hiệu nhận biết về logo, nhãn hiệu sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh; Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã hoàn tất Điều lệ Hội, Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể “hạt dẻ Trùng Khánh,” quy chế quản lý chất lượng sản phẩm.
Đây là cơ sở cần thiết tạo thương hiệu cho hạt dẻ Trùng Khánh và đa dạng hóa các sản phẩm chiết xuất tinh dầu, bánh kẹo, rượu…từ hạt dẻ, giúp đồng bào các dân tộc ở vùng biên cương xa xôi này trong tương lai gần có thể làm giàu ngay chính quê hương mình./.

1 nhận xét:

  1. hat de trung khanh rat ngon va thom cac ban an thu se khong quen duoc dau

    Trả lờiXóa